Chất màu vô cơ và ứng dụng của chúng
Từ khi con người phát hiện ra các chất màu trong tự nhiên và biết cách sử dụng chúng đến nay, thế giới đã có lịch sử phong phú về quá trình nghiên cứu và phát triển các sản phẩm bột màu. Tùy theo yêu cầu về màu sắc, tính chất, khả năng ứng dụng của các chất màu, người ta có thể chế tạo ra các chất màu phù hợp. Theo bản chất hóa học, có 2 loại chất màu là chất màu vô cơ và chất màu hữu cơ.
Chất màu hữu cơ có những ưu điểm màu sắc tươi sáng, tỷ trọng thấp, hiệu quả tạo màu cao, phân tán tốt trong các dung môi hữu cơ. Tuy nhiên loại chất màu này cũng có nhược điểm là kém bền nhiệt và bền cơ, độ bền màu không cao, phân tán kém trong nước.
Chất màu vô cơ có ưu điểm chịu nhiệt và bền nhiệt cao, bền màu, phân tán tốt trong nước và các hợp chất vô cơ. Với các đặc điểm như vậy, các chất màu vô cơ được sử dụng chủ yếu cho gốm sứ, vật liệu chịu lửa, màng phủ chịu nhiệt.
Các chất màu vô cơ chịu nhiệt đã được biết đến từ thời tiền sử. Hơn 60 nghìn năm trước người ta đã biết sử dụng đất màu để làm vật liệu tạo màu. Các bức vẽ trong các hang động của người bản địa vùng phía nam nước Pháp, phía bắc Tây Ban Nha và phía bắc châu Phi đã được tạo nên từ than củi, oxit mangan và đất sét đã ra đời cách đây khoảng 30 nghìn năm. Khoảng năm 2000 trước công nguyên người ta đã biết nung đất màu tự nhiên rồi trộn với các quặng mangan để sản xuất các chất màu đỏ, tím và đen cho sản xuất gốm sứ. Đá xanh tự nhiên và đá xanh nhân tạo là những chất màu xanh dương đầu tiên. Silicat sắt và kali ngậm nước, khoáng Malachit và đồng hydroxylclorit tổng hợp là những chất màu xanh lá đầu tiên được biết đến. Canxit (các dạng khác nhau của canxi sunfat) và kaolinit là những chất màu trắng lần đầu được sử dụng trong khoảng thời gian đó. Kỹ thuật vẽ tranh, tráng men, thủy tinh, nhuộm đã đạt được sự phát triển mạnh mẽ tại Ai Cập và Babylon vào thời kỳ này. Chất màu xanh dương tổng hợp (một loại silicat của đồng và canxi) ngày nay vẫn còn được biết đến với tên gọi màu xanh Ai Cập. Antimon sulfit và chì sunfit là những chất màu đen được sử dụng rộng rãi. Thủy tinh coban và oxit nhôm – coban là những chất màu xanh dương đã được biết đến.
Sự phát triển về kỹ thuật sản xuất màu xảy ra trong thời kỳ phục hưng (thế kỷ 15 và 16) với chất màu đỏ son được tổng hợp tại Tây Ban Nha. Pha lê xanh, các loại thủy tinh màu vàng nghệ và xanh coban đã phát triển tại Châu Âu. Ngành công nghiệp chất màu bắt đầu phát triển vào thế kỷ 18 với các sản phẩm như màu xanh Berlin (1704), xanh coban (1777), xanh lá cây và vàng crom (1778). Đến thế kỷ 19, các loại chất màu xanh biếc, xanh lá, các chất màu coban, oxit sắt và cadimi đã phát triển mạnh mẽ. Sang thế kỷ 20, các chất màu đã là chủ đề nghiên cứu và các phát minh của nhiều nhà khoa học. Trong một vài chục năm sau đó, các chất màu tổng hợp như màu đỏ cadimi, xanh mangan, đỏ molybđen và các oxit hỗn hợp với bismut đã được thương mại hóa. Titan oxit với cấu trúc dạng anatase và rutile, oxit kẽm dạng khung là những chất màu trắng thương mại tổng hợp.
Các lĩnh vực quan trọng sử dụng các chất màu vô cơ bao gồm: sơn, nhựa, mực in, trang trí (vẽ tranh nghệ thuật), vật liệu xây dựng, phủ bề mặt cho sàn nhà, cao su, mỹ phẩm, gốm sứ và men. Ngành sơn thường sử dụng bột màu chất lượng cao và kích thước hạt nhỏ, sự đồng đều về kích thước hạt và khả năng phân tán rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến độ bóng, khả năng phủ kín và khả năng tạo màu. Khi chọn một loại bột màu cho một ứng dụng cụ thể, có một số tính chất thông thường phải được xem xét như:
+ Tính chất hóa học và vật lý: Thành phần hóa học, độ ẩm và hàm lượng muối, hàm lượng chất hòa tan trong nước và hòa tan trong axit, kích thước hạt, mật độ và độ cứng;+ Tính ổn định: Chịu được ánh sáng, thời tiết, nhiệt và hóa chất, đặc tính chống ăn mòn và giữ độ bóng;+ Khả năng kết dính: Tương tác với các chất, khả năng phân tán, tính tương thích và khả năng đóng rắn.